Chính vì vậy, định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu đối với mỗi con người là hết sức quan trọng, cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, chứ không được qua loa, đại khái.
Đối với học sinh
Từ nhỏ, ai cũng từng ấp ủ trong mình những ước mơ, có người mơ trở thành nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, rồi cuộc sống hiện đại thì đó là ca sỹ, cầu thủ bóng đá… có người lại mơ ước mình sẽ là phi công lái những chiếc máy bay trên bầu trời. Rồi lớn lên, ai cũng phấn đấu học tập thật tốt để đạt được ước mơ của mình. Nhưng thực tế, không phải ước mơ nào cũng đi đến cùng sự trọn vẹn.Bất cứ ai đã từng trải qua quãng đời học sinh đều có thể hiểu: Con đường học hành để đến với cổng trường đại học là vô cùng gian nan mà không phải ai cũng đủ “sức” để vượt qua chặng đường đó. Có những người đã bỏ dở giữa chừng để đi tìm một hướng đi khác. Họ đã được thông cảm hay nhận phải những lời trách móc?
Tất cả đều phụ thuộc vào một quan niệm mới, đó là “định hướng nghề nghiệp”. Nếu được định hướng rõ ràng, các em học sinh sẽ không còn phải coi cánh cổng đại học là sự sống còn nữa, việc học sẽ trở nên thoải mái, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Bởi lẽ không phải ai cũng cần bước qua ngưỡng cửa đại học mới có thể chạm đến được ước mơ. Các em hoàn toàn có thể học nghề và nỗ lực để phát triển sự nghiệp. Khi các em dám ước mơ và nỗ lực để thực hiện mơ ước thì dù có học đại học hay không, các em vẫn có thể chạm đến được thành công, mà thậm chí nếu đi học đại học, có lẽ các em đã không thể có cơ hội theo đuổi nó.
Đối với sinh viên
Với những người đã cố gắng hoàn thành chặng đường phấn đấu để trở thành sinh viên ở những trường đại học mơ ước thì liệu có chắc chắn là họ sẽ thành công hay không? Điều đó là rất khó để nói. Bởi lẽ thực tế nhiều sinh viên ra trường, thậm chí là đang học tập đã cảm thấy nuối tiếc về sự lựa chọn của mình, cũng có những người đã dám từ bỏ để rẽ sang ngang. Đó là hệ quả của việc “định hướng nghề nghiệp” sơ sài, qua loa, đại khái.Hiện nay, do không có sự định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu nên dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hay tình trạng thất nghiệp của hàng loạt cử nhân đại học vì cung vượt quá cầu trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Ví như giai đoạn năm 2006 – 2007, ngành tài chính ngân hàng bùng nổ, học sinh đổ xô theo học ngành này. Người học giỏi thì phấn đấu vào các trường đại học danh tiếng, người bình thường thì cũng “bon chen” tại những trường hạng hai, hạng ba. Kết quả là 4 năm sau đó, khi hàng loạt cử nhân ra trường, lúc này thị trường việc làm ngành tài chính – ngân hàng đã trở nên bão hòa, cung nhiều mà cầu thì rất ít. Do đó, thất nghiệp là hệ quả không thể tránh khỏi.
“Định hướng nghề nghiệp” ra sao?
Hướng nghiệp là cung cung cấp thông tin và phân tích xu thế một cách tối ưu để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên con đường lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. Hướng nghiệp được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố: thứ nhất là năng lực cá nhân, thứ hai là nhu cầu xã hội, và thứ ba không kém phần quan trọng là đam mê, sở thích của người học.Thực tế, việc định hướng nghề nghiệp cho mỗi cá nhân cũng rất khó khăn vì nó phụ thuộc rất nhiều khía cạnh mà không phải lúc nào các yếu tố trên cũng hài hòa với nhau. Ở nhiều quốc gia, để chọn đúng ngành nghề, học sinh cần tham gia các bài trắc nghiệm được thiết kế bởi nhiều chuyên gia. Tuy nhiên nó cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi.
Vậy giải pháp nào cho “định hướng nghề nghiệp”?
Trước tiên, từng cá nhân phải tự khám phá năng lực bản thân của mình để xác định được mình hợp và yêu thích nghề nào, học tập, rèn luyện kỹ năng, phân đấu nỗ lực theo ngành nghề đó. Chủ động tìm hiểu. tham khảo các ý kiến từ anh chị đi trước, gia đình, bạn bè để lắng nghe tư vấn, định hướng.Thứ hai, từng cá nhân phải xác định nghề nào cũng cần cho xác hội, cũng cáo quý, quan trọng miễn là mình yêu thích, có khả năng phát triển, tìm được niềm vui và không vi phạm đạo đức, pháp luật.
Thứ ba, các hiệp hội nghề nghiệp cần có những dự báo chính xác về nhân lực từng ngành nghề. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ dựa vào sự tương thích giữa các yếu tố mà lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp.
Thứ tư, là chương trình đào tạo của các trường đại học cần bổ sung việc cho phép sinh viên chuyển đổi ngành nghề. Bởi lẽ sự lựa chọn từ đầu đôi khi không hoàn hảo như mong muốn, khi đó họ có thể có cơ hội theo đuổi ngành nghề phù hợp hơn để không phải “nuối tiếc” về sau.
Với các giải pháp hướng nghiệp thực tế, không chắc là 100% nhưng sẽ hạn chế được rất nhiều những trường hợp bất cập liên quan đến nghề nghiệp trong xã hội hiên nay. Con người sẽ có thể làm chủ được quyết định nghề nghiệp của mình, tương ứng với đam mê, năng lực và nhu cầu lao động của xã hội.